Tin Hoạt động >> Chuyển đổi số

Triển khai phiên bản Mobile trên kho dữ liệu thu chi ngân sách hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành

08/01/2024 10:43:17 Xem cỡ chữ Google
Bộ Tài chính cho biết hiện tại người sử dụng có thể khai thác dữ liệu thu, chi ngân sách trên giao diện của phiên bản mobile, phiên bản này được xây dựng để khai thác dữ liệu ngân sách nhà nước (NSNN) dưới dạng đồ họa, bao gồm những dữ liệu tổng hợp theo số tuyệt đối, số so sánh với dự toán của NSNN; cập nhật tình hình thực hiện dự toán theo địa bàn; Biểu đồ cơ cấu thu theo các chỉ tiêu; có thể mở rộng (Drill down) để xem những chỉ tiêu chi tiết hơn hoặc thu nhỏ lại (Drill up) để xem những chỉ tiêu tổng quát; những biểu dữ liệu chi tiết về thu và chi NSNN nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu người sử dụng.

Trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt được những thành tựu đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) ngành Tài chính.

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang đối mặt với thách thức về tốc độ thay đổi công nghệ, đòi hỏi các tổ chức phải đầu tư và phát triển các kỹ năng cần thiết cho chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm các công nghệ như học máy (Machine Learning - ML), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), điện toán đám mây, phát triển phần mềm, bảo mật và nhiều công nghệ khác,... để phục vụ người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ cán bộ công chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý.

Dữ liệu và phân tích dữ liệu là yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, cung cấp thông tin cho việc phát triển kinh tế số và xã hội số, cũng như là nền tảng thiết yếu để phát triển chính phủ số và xã hội số. Phân tích dữ liệu sử dụng các công nghệ nền tảng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp nâng cao năng lực quản trị, quản lý và hoạch định chính sách của các cơ quan Chính phủ dựa trên dữ liệu được phân tích.

Trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, các cơ quan, tổ chức có nhu cầu khai thác, sử dụng ngày càng nhiều dữ liệu để hỗ trợ công tác quản lý và ra quyết định. Tuy nhiên, việc quản lý và quản trị dữ liệu ngày càng phức tạp do sự đa dạng và phân tán của các nguồn dữ liệu trên nền tảng công nghệ của các hệ thống trong tổ chức. Trọng tâm trong quản trị dữ liệu là đảm bảo tính khả thi, khả năng sử dụng, tính nhất quán, tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu, tuân theo các yêu cầu chuẩn mực pháp lý.

Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và Chỉ thị số 02 /CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia) một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện là: Xây dựng và tổ chức triển khai Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu quốc gia và Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu tập trung cấp bộ, ngành, địa phương, kết nối liên thông, mở chia sẻ dữ liệu để tập hợp tài nguyên dữ liệu trong ngành, lĩnh vực, địa phương vào một đầu mối xử lý, phân tích, tạo ra các giá trị mới phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

Trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu của Chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong ngành Tài chính, theo Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Báo cáo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021), theo đó Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí thứ nhất về mức độ chuyển đổi số trong khối các Bộ, ngành và là năm thứ hai liên tiếp Bộ Tài chính giữ vị trí thứ nhất. Bộ Tài chính đã đạt được các tiêu chí đánh giá cao về chuyển đổi số, bao gồm chỉ số Hạ tầng số và Hoạt động chuyển đổi số, Bộ cũng đã đáp ứng tốt các yêu cầu về nhận thức về chuyển đổi số và ban hành các quy định về thể chế pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số, qua đó thể hiện rõ sự định hướng chủ động của Bộ Tài chính trong việc áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã xây dựng và thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, công khai và minh bạch dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu tài chính mở, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin. Bộ cũng tích cực tham gia vào sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số về nền kinh tế số.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lan Anh.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lan Anh.

Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài chính là một trong sáu CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử được phê duyệt theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện Quyết định số 714/QĐ-TTg, ngày 01/11/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2376/QĐ-BTC phê duyệt Đề án CSDL quốc gia về Tài chính với mục tiêu tổng quát: “Xây dựng CSDL quốc gia về tài chính thống nhất đáp ứng nhu cầu về tiếp cận khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ cho công tác xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách, quản lý và điều hành trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế. CSDL quốc gia về Tài chính là cốt lõi, trung tâm của Hệ thống thông tin tài chính quốc gia. Thông tin dữ liệu trong CSDL quốc gia về Tài chính sẽ là kho thông tin tri thức được quản lý và khai thác theo các phương thức quản lý và khai thác của một nguồn lực kinh tế trong nền kinh tế mới – kinh tế tri thức”.

Đề án “Xây dựng CSDL quốc gia về Tài chính” và Quyết định số 2575/QĐ-BTC ngày 15/12/2017 quy định Danh mục CSDL chuyên ngành của Bộ Tài chính đã xác định cần xây dựng 12 CSDL: Quản lý thuế, Quản lý kho bạc, Quản lý hải quan, Quản lý chứng khoán, Giá Quản lý, Quản lý thu chi ngân sách nhà nước, Quản lý dự trữ nhà nước, Quản lý bảo hiểm, Quản lý nợ công, Quản lý tài sản nhà nước, Quản lý và giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu điện tử dùng chung ngành Tài chính và Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp về Tài chính giai đoạn 1 đã được Bộ Tài chính phê duyệt và hiện đang được triển khai (giai đoạn 2022-2024).

Kho dữ liệu thu, chi NSNN được Bộ Tài chính xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng chính thức từ tháng 12/2018. Kho dữ liệu thu, chi NSNN là hệ thống khai thác thông tin ngân sách nhà nước tích hợp nhằm hỗ trợ tốt hơn công tác quản lý, điều hành, phân tích và dự báo của cơ quan tài chính các cấp, các bộ, ngành trung ương... Hệ thống được cài đặt, triển khai tại vận hành tại Cục Tin học và Thống kê tài chính; triển khai cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các tổng cục, các sở tài chính, phòng tài chính và các bộ, cơ quan trung ương.

Đến nay, kho dữ liệu thu, chi NSNN đã vận hành ổn định đảm bảo an toàn dữ liệu; đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành thường xuyên, đột xuất của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các Sở Tài chính, Phòng Tài chính, Cục Thuế các Tỉnh, thành phố,..

Kho dữ liệu thu, chi NSNN được xây dựng theo chuẩn kho dữ liệu (data warehouse) với nền tảng công nghệ hiện đại, triển khai các công cụ báo cáo thông minh (Business Intelligence) nhằm chuẩn hóa dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau và tối ưu hóa hiệu quả khai thác thông tin. Kho dữ liệu thu chi NSNN được xây dựng theo mô hình tập trung tại Bộ Tài chính, Cục Tin học và Thống kê tài chính chịu trách nhiệm quản lý vận hành và triển khai thống nhất trong phạm vi toàn quốc và đã cấp quyền truy cập, khai thác cho hơn 1.900 người sử dụng trong cả nước.

Đối với việc truy cập, khai thác kho dữ liệu thu, chi NSNN của các cơ quan tài chính địa phương: Nhiều địa phương hàng ngày khai thác thường xuyên, hiệu quả kho dữ liệu NSNN. Những báo cáo được khai thác phục vụ quản lý, điều hành hàng ngày với tần suất cao như: Thu và vay NSNN; Chi và trả nợ NSNN; Thu và chi NSNN theo mục lục ngân sách; Các báo cáo do cơ quan thuế đề xuất,... Đồng thời, khi được giới thiệu về kho dữ liệu NSNN, lãnh đạo cơ quan tài chính tại địa phương đều đánh giá rất cao về tính hữu dụng của Kho dữ liệu NSNN. Tuy nhiên, theo Cục Tin học và Thống kê tài chính, hiện nay nhiều lãnh đạo sở tài chính chưa biết về ứng dụng này), nhiều cán bộ đã được đào tạo và cấp quyền truy cập kho dữ liệu thu chi NSNN đã luân chuyển, điều động công tác hoặc nghỉ hưu, một số cán bộ đi đào tạo về không báo cáo lãnh đạo về kho dữ liệu thu chi NSNN và không thực hiện đào tạo lại nên thực tế việc khai thác thông tin, dữ liệu từ kho có nơi còn hạn chế.

Ông Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc, Sở Tài chính tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lan Anh.

Ông Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc, Sở Tài chính tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lan Anh.

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Thành, Phó Giám đốc, Sở Tài chính tỉnh Bình Định, kho dữ liệu thu, chi NSNN là tập hợp các dữ liệu về ngân sách nhà nước và các dữ liệu kinh tế xã hội khác được sắp xếp, tổ chức để quản lý, vận hành và khai thác thông qua phương tiện điện tử. Kho được xây dựng và triển khai tập trung, thống nhất trong phạm vi toàn quốc, thực hiện chức năng đồng bộ, bổ sung dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, tổng hợp dữ liệu để khai thác, lập báo cáo tĩnh, báo cáo tùy biến, báo cáo đồ họa, truy vấn đột xuất theo các chiều thông tin khác nhau phục vụ công tác quản lý, điều hành, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tài chính – NSNN. Từ khi đưa vào vận hành chính thức đến nay, kho dữ liệu thu, chi NSNN đã đóng góp đáng kể phục vụ cho công  tác quản lý, điều hành NSNN cũng như xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách, giúp các cấp lãnh đạo có thể nhanh chóng nắm bắt, phân tích thông tinh chung về tình hình thu, chi NSNN của địa phương.

Nguồn: https://www.mof.gov.vn

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h